#

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Dư địa chí xã Định Thành

1- Sự thay đổi tên làng qua các thời kỳ lịch sử.
Xã Định Thành ngày nay
có diện tích 11,33 km² gồm 3 làng là làng Bái Ân, Tường Vân, làng Hải Quật thuộc tổng Hải quật, huyện An Định, thuộc địa phận Châu Ái ngày xưa (tổng Hải Quật gồm các làng: Châu Khương, làng Cạm, làng Tiên Nông, làng Tiêm Long, làng Hồng Khương, làng Bái Ân làng, Tường Vân, làng Hải, làng Phú Ninh, làng Khang Nghệ).
Đến năm 1945 Tổng Hải Quật chia làm 2 xã:
-    Xã Ngũ Khúc gồm: Làng Tiên Nông, Tiên Long, làng Bái Ân, làng Tường vân, làng Hải Quật
-    Xã Tam Cương gồm: Cẩm Chướng (Trướng). làng Phú Ninh, làng Khang Nghệ
Đến năm 1946 xã Ngũ Phúc và xã Tam Cương lại chập thành 1 xã Định Thành
Đến năm 1954 xã Định Thành lại chia làm 2 xã : xã Định Thành và xã Đinh Công
Trong thời kỳ Hợp tác xã nông nghiệp, Năm 1980 Định Thành - Định Công  lại nhập làm 1 gọi là xã Công Thành thuộc huyện Thiệu Yên gồm 7 làng : làng Bái Ân, làng Tường Vân, làng Hải Quật, làng Cẩm Chướng, làng Phú Ninh, làng Khang Nghệ và làng Quan yên.
Năm 1982 xã Công Thành lại tách ra làm 2 xã Định Thành và Định Công thuộc huyện Thiệu Yên cho đến ngày nay. Năm 1996 huyện Thiệu Yên được chia thành (nhưng thực ra là tái lập
theo Nghị định 72-CP năm 1996 ngày 18/11/1996 về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Quan Hoá, Như Xuân, Đông Sơn, Thiệu Yên thuộc tỉnh Thành Hoá) 2 huyện Yên Định và Thiệu Hóa. Xã Định Thành ngày nay thuộc huyện Yên Định.
Xã Định Thành ngày nay
cách thành phố Thanh Hoá 28 km về phía Tây Bắc, có địa giới hành chính như sau:
•    Thuộc phía Nam Sông Mã: giáp danh giữa 4 xã Định Công, Định Tiến, Định Hòa và xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa)

 •    Phía tây Bắc: Núi Bái và dãy núi Quan Yên, núi giáp thôn Quan Yên, xã Định Tiến
-    Hạ chí: Sườn chõ vòi, núi giáp giữa làng Cẩm (Định Công) và thôn 10 làng Hải Quật
-    Thượng chí: Núi Tiên Nông, núi giáp giữa làng Bái Ân và xã Định Hòa
•    Phía đông nam : gianh giới sông Cầu Chày (sông Cầu Chày là ranh giới giữa xã Định Thành và xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa)
Xã Định Thành là một địa danh mà những dấu ấn lịch sử đã khắc hoạ qua 4 nghìn năm của dân tộc . Tại núi Quan yên, các nhà khảo cổ học đã tìm được những di tích của con người từ cuối thời đại đồ đá mới có niên đại 30 vạn năm.

2- Thôn, Làng nào có bao nhiêu đồi núi.
Xã Định Thành từ xưa đến nay có các núi:
•    Núi Chùa: (thuộc thôn 6 làng Tường Vân, chiều cao 270m)
Núi Chùa là núi đá vôi, có đặc điểm hình cụm đá lớn, mình tròn, hơi thoải ra phía Đông Nam (Đồng Kỉnh ven sông Cầu Chày). 

                                            Núi Chùa kỳ Vĩ giữa trung tâm Thôn 6, Tường Vân
Ngày xưa cạnh núi Chùa, người dân làng Sơn Ổi, xã Cổ Hiển (làng Tường Vân, xã Định Thành ngày nay) có lập đền thờ cụ Trạng Nguyên Khương Công Phụ từ thời Tự Đức. Nên có lẽ núi Chùa vì thế mới có tên gọi như ngày nay. 
Núi Chùa hiện vẫn cổ xưa chưa có dấu tích đã khai phá nên từ dưới lên trên vẫn là những vườn cây có từ lâu đời tạo thành  vẻ hoang sơ, kỳ vỹ giữa lòng xã Định Thành, như một vị thần đang đứng gác cho ngôi đền thờ Trạng Nguyên thiêng liêng, cổ kính. Thời xưa cây cối ở núi Chùa mọc um tùm rậm rạp. Theo các cụ truyền lại núi Chùa ngày xưa có rất nhiều thú dữ như hổ báo, khỉ, cầy, cáo, trăn và rất nhiều loài chim quý.
•    Núi Nghẹn:  là loại núi trẻ trải dài từ đỉnh núi Mốc Tây đến Dốc Ao, dãy núi là ranh giới giữa 2 thôn 5 và 10. Núi Nghẹn
trước kia là đất trống, đồi trọc là nơi chăn nuôi trâu bò, dê rất phát triển cho nhân dân thôn 5 và thôn 10, đồng thời là nơi trồng các loại cây lưu niên ăn trái như mít, bưởi, ổi và các cây lương thực như ngô, sắn, củ từ. Trên núi hiện nay nhân dân đang trồng chọt các loại cây keo, muồng, lát theo dự án 327 của nhà nước. Nhân dân thôn 5 và thôn 10 đã thu được nguồn lợi lớn theo dự án 372 nhiều gia đình đã xoá được nghèo vươn lên làm giàu theo dự án này. Núi ở đây hiện nay là rừng phòng hộ đang được bảo vệ và làm nơi yên nghỉ cho các cụ già và con cháu đã về cõi vĩnh hằng.
•    Núi Son là dãy núi đá vôi nằm tiếp giáp giữa làng Tường Vân và làng Bái Ân chiều cao 280m ngày xưa trong thời kỳ kháng chiến, lực lượng công binh đã xây dựng xưởng sản xuất vũ khí, sản xuất đạn phục vụ kháng chiến tại khu vực Xẩu phía cuối dãy núi giáp Đồng Hang. 

Núi Son hùng vĩ bên cạnh cánh đồng Cửa Chúa

Ngày nay, nhân dân Tường Vân đang khai thác đá vôi bằng máy móc hiện đại, với khối lượng lớn phục vụ cho việc xây dựng các công trình lớn của xã và công trình dân dụng của nhân dân nên núi Son không còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ như trước. Loài khỉ được xem là có số lượng nhiều và phát triển nhất tại núi Son, giờ đây do nạn săn bắn tràn lan và anh hưởng của việc khai thác đá vôi đã làm cho đàn khỉ hiện nay chỉ còn sống sót vài ba con.
•    Núi Bái nằm ở địa phận một phần thuộc thôn 5 làng Tường Vân và một phần thuộc địa phận làng Bái. Có lẽ vì thế mà người dân địa phương mới gọi là Núi Bái, núi có chiều cao khoảng 275m. Núi Bái là dãy núi đá vôi nằm chuyển tiếp phía cuối của dãy núi Quan Yên, đầu núi nhô ra phía đồng Chè. Hiện nay, một bên núi thuộc địa phận thôn 5 chưa khai thác, vẫn giữ được vẻ nguyên sinh vì vậy núi Bái vẫn còn rất nhiều loài động vật như Khỉ, chim sáo, trăn , rắn sinh sống. Phía bên làng Bái Ân, khu vực đồng Cổ Cò, hiện đang được khai thác đá vôi để cung cấp cho nhân dân trong làng.

•    Núi Quan Yên là một dãy núi đất cao và rộng có chiều cao khoảng 300m. Ngày xưa trên đỉnh núi quân đội Pháp có xây dựng một lô cốt, có lẽ vì vậy cho đến ngày nay đỉnh núi có tên gọi là đỉnh Mốc Tây (cột mốc do người Tây xây dựng). Đứng trên đỉnh núi Quan Yên, du khách có thể quan sát phong cảnh đẹp và rộng lớn quê hương Yên Định.
3- Trong xã có những con dốc lớn nào.
•    Dốc Ao (Dốc Nẻo) là con dốc lớn nằm giáp ranh giữa Thôn 5 và Thôn 6. Dốc có chiều cao 10,7m. Hiện nay, chính quyền địa phương đã san thấp đi hơn trước.

                                                                       Một đoạn dốc Nẻo

•    Dốc Đa Eo là một con dốc lớn thứ hai chỉ sau dốc Ao thuộc địa phận Thôn 5, nằm giữa eo núi Nghẹn. Dưới dốc có một cây đa cổ thụ lâu đời cũng chính vì vậy mà người dân trong làng mới gọi tên là dốc Đa Eo. Ngày xưa, người dân Thôn 5 và Thôn 10 thường đi lại giao lưu đi qua con dốc này, đi tắt qua chợ Cẩm (Định Công) để buôn bán. 
•    Dốc Lớn nằm ở đoạn núi phía trên dốc Đa Eo, phía dưới đỉnh Mốc Tây. Xưa kia, con dốc này ít người đi qua. Hiện nay, khu vực dốc này được người dân thôn 10 dùng làm nghĩa địa, nơi an nghỉ cho các cụ già và con cháu đã về cõi vĩnh hằng.
4- Kênh, rạch
•    Kênh (người dân thường gọi là Đầm) thượng nguồn từ xã Định Tiến chạy dài qua cánh đồng Cổ Cò (Bái Ân), chảy uốn quanh sát núi Son, qua cống Xi Phông và đổ về hạ nguồn sông Cầu Chày. Đầm cung cấp lượng nước tưới tiêu cho các cánh đồng xung quanh và là nơi sinh sống của nhiều loại thủy sản nước ngọt như tôm, cua, hến, chai chai và các loại cá trê, cá chuối, cá chép...Những mùa nước lớn, cá chép lớn ở sông thường vượt ngược dòng lên Đầm, người dân đi kéo vó bắt được cá to, có những con cá chép nặng đến 4kg.
Một đoạn Đầm chảy qua cống Xi Phông

(Bài viết này được cung cấp nguồn, biên tập trên webblog bởi Administrator, có thể một số địa danh, từ ngữ sử dụng chưa chính xác, rất mong được Quý Bạn đọc lượng thứ và góp ý)

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 
Free Blue Multi Glitter Pointer Cursors at www.totallyfreecursors.com