#

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Vài Nét Về Chợ Bản Yên Định

Huyện Yên Định,Thanh Hoá,có một làng cổ xưa tên là Bản Đanh, chợ phiên của Huyện ở đó nên gọi là chợ Bản. 
Đây là một trong những chợ lớn nổi tiếng của Yên Định, chuyên trao đổi, bán mua nông sản,trâu bò, lợn gà, gia súc gia cầm. Cũng là nơi giao lưu bách hoá, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công ngiệp, phục vụ sản xuất và đời sống, cũng như các món ẩm thực đặc sản của vùng quê Yên Định, Xứ Thanh. Chợ Bản xưa đông lắm, dân gian ám chỉ cái gì đông đúc, tấp nập thường ví "đông như chợ Bản" là vậy. Thuở ấu thơ được theo mẹ đi Chợ Bản là cả sự háo hức.Cuối năm được mẹ cho đi chợ 30 Tết thì tuyệt vời. Mẹ cho đi rồi mà cứ tưởng mơ. 
Chợ Bản xưa, là niềm tự hào của người Yên Định. Ngoài việc mua bán trâu bò, lợn gà, nhân dân trong vùng có mớ rau ngon, con ngan to, con gà béo, cây gỗ quí, bộ lư hương, bộ áo đại lễ, cái nồi đồng cần bán, cho đến cái cày, cái bừa, con dao cái kéo làm ra đều chờ đến phiên chợ Bản, chứ không đi chợ khác. Bởi vậy đã tạo nên sự tấp nập, tin cậy giữa kẻ mua người bán, kể cả với người đi chơi ở cái chợ này. Điều đó còn nói lên rằng: Chợ Bản Yên Định không chỉ đơn thuần là mua, là bán mà còn để tự hào có hàng hay, hàng tốt, hàng độc, được đem đi chợ. Người mua hài lòng vì mua được ở chợ này cái mình cần, với sự thoả mãn và tin cậy.
Rồi nữa các món ẩm thực đặc sản vùng quê xứ Thanh như bánh lá, bánh bèo, bánh gai, bánh đúc, đậu phụ, mắm tôm, thịt chó riềng mẻ, cháo lươn, bánh đa, rượu nếp cái hoa vàng, được đua nhau xuôi về hội chợ, vừa để bán nhưng cũng chính là để khoe mời khách thập phương tấm lòng thịnh tình của nhân dân Yên Định. 
Nói không ngoa: vào chợ Bản có thể tìm mua gì cũng có, đã thực chất mà giá cả lại rẻ! Huyền thoại còn kể lại rằng: Cứ phiên chợ Bản, tầm khoảng 11 đến 12 giờ trưa, chợ đột nhiên không có ruồi, không hiểu chúng trốn đi đâu và vì sao ? Bởi lí do đó, chợ Bản trở thành nổi tiếng, không những trong xứ Thanh mà còn lan toả ra các vùng quê khác. Chợ Bản đã góp phần làm cho quê tôi thêm đẹp, thêm giàu, thêm tự hào với bè bạn.  
Những năm chống Pháp, chợ được sơ tán, họp ở các nơi an toàn. Hoà bình, lại về họp nơi cũ. Trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, chợ Bản được dời đi nhiều nơi, như về Duyên Hy, Định Hưng, Thiết Đinh, Định Tường...Nhưng chợ họp ở đâu, địa danh xã nào, hễ có tên "Chợ Bản" là khách tìm đến. 
Từ ngày hoà bình, chợ được chuyển về thị trấn Quán Lào, xã Định Tường. Cuối năm 85 và những năm 90 của thế kỉ XX, khi Huyện lị Thiệu Yên (Yên Định ngày nay) về Quán Lào thì chợ được chuyển đến xã Định Long cho đến bây giờ và không quay về làng Bản, xã Định Tăng nữa. Gần đây chợ Định Long được xây dựng qui mô hoành tráng, đầu tư kinh phí và chiếm khá nhiều diện tích đất nông nghiệp. Tường cao bao quanh, xây và đổ bê tông mái các gian bán hàng. Lãnh đạo thời ấy quan tâm, lo xa cho dân lắm. Đổ bê tông rồi còn cho lợp ngay mái tôn để chống dột, mặc dù đang trong thời gian bảo hành. Nền chợ láng bê tông, xây kín cổng cao tường, lại còn làm sẵn nền móng các ki ốt bên ngoài cổng chợ.Thật là gọn cho việc bán cả đất lẫn nền, nói như người dân Định Long "mần cả gốc lẫn ngọn "...
Chăm lo cho dân đến thế mà dân cứ chê, không chịu mua, không chịu thuê. Là dân mà khó tính quá. Có Chợ rồi, ai không có ruộng thì làm thương nghiệp, chạy chợ cho nhanh giàu.Tương lai no ấm thế mà lại không vào chợ, lạ thật! 
Trong thực hành sử dụng đất đai, tiết kiệm, có hiệu quả, nhất là đất nông nghiệp. Đất thu hồi làm chợ, xây nhà chợ rồi, nếu không ai mua, ai thuê để vào chợ bán hàng, thì cho nơi khác, việc khác thuê hoặc bán cho ai thì tuỳ. "Đất sở hữu toàn dân", nhà nước thu thì dân trả, khỏi làm ruộng vất vả? Đất thu rồi thì bán cho người có tiền, để họ làm dịch vụ, làm cây xăng, quán ăn hay làm gì tuỳ họ. Nếu họ mua đất để dành ư . Mặc kệ họ, miễn là ta cần bán, họ cần mua, tiền thì thu rồi. Hiện họ chưa làm, chứ có bỏ hoang đâu, kiên quyết không để lãng phí đất của nông dân là được? Thì cứ như mấy công trình, nhà máy, bến xe đó: Thu hồi đất của dân xong, bán rẻ như cho không, để "Trải thảm mời doanh nghiệp" mà. Còn lỗ hay lãi, dân mất ruộng, làm gì để sống không đáng lo, cứ yên tâm đi, trời sinh voi, tất sinh cỏ. Đâu vào đó tất. Lợi ích, bổng lộc cho dân cả, chứ có ai tham nhũng đâu. Kẻ mua giá như được cho không thì yên tâm nhé. Nếu làm ăn thua lỗ thì bán đất, thu tiền đất vẫn lãi chán. Có chợ rồi, dân ai hết đất thì đi làm thương lái, nhàn mà có tiền lại nhanh giàu."Phi thương bất phú ", câu ca xưa nói vậy mà!
Chợ ngay bên đường Quốc lộ 45, thuận lợi cho thương gia giao lưu hàng hoá Bắc - Nam, tuy có sát đường, ảnh hưởng giao thông thật, nhưng tăng cường người hướng dẫn giao thông trong những ngày phiên chợ là khắc phục được, lại tạo công ăn việc làm cho nhân dân thì tốt quá! 
Cái tên "Chợ Đầu Mối", dân không chịu nghiên cứu, lại thắc mắc"không rõ cái gì làm đầu, làm mối", bảo cái tên nghe lạ hoắc, không quen. Trong khi đầu nậu lại quá nhiều, họ gom trâu bò, lợn gà, nông sản ngay từ thôn quê, ai còn cho bò, lợn đi chợ để gặm nền bê tông à."Dân trí, chưa cao bằng quan trí", nên cho rằng đầu nậu thuận lợi cho dân. Dù có bị ép cấp, ép giá tí, còn hơn chen vào chợ, chịu chi phí đủ đường mà chắc gì đã bán được. Kẻ rỗi hơi còn nói: "Có chợ Thị Trấn, chợ Định Liên rồi, sao còn làm to thế, rộng thế? Để vốn đầu tư thêm cho chợ Trung tâm Thị Trấn có hay không, sao cứ kéo ngược lên phía trên"! 
Đúng là dân, chẳng hiểu gì về tầm chiến lược cả. Vấn đề này, ta cứ tuyên truyền thật tốt, "đi chợ là yêu nước", chắc dân yêu nước sẽ đi chợ thôi. 
Lãnh đạo thời nay khổ thế đó. May là chỉ có một số ít có ý kiến. Còn đa số dân tốt tuyệt vời, tin tưởng tuyệt đối ở lãnh đạo, bảo thu hồi đất là trả, đền bù thế nào cũng tin, bảo chuyển vào bên trong thì chuyển, chứ không cũng còn mệt! Âý là tôi nghe lãnh đạo giải thích đến đâu xin tạm nói leo theo như thế. Để nhân dân dễ tìm chợ mới và đến chợ đông, chợ được gắn tên gọi: "Chợ Bản Định Long", thế là thành tên khai sinh!
Mới hay cái tên"Chợ Bản" xưa, khi đã thành thương hiệu thì giá trị và thân thiết biết bao nhiêu. Nhưng Chợ Bản lưu lạc đã không quay về Bản nữa ...
Thể theo nguyện vọng của Đảng Bộ và nhân dân xã Định Tăng, nơi có tên Chợ Bản cổ xưa, những năm 2008 - 2010 của thế kỉ XXI Huyện đã đồng ý cho xã lập chợ trên khuôn viên khu chợ cũ, nhưng qui mô nhỏ hơn, phù hợp hơn. Tuy vậy nhân dân rất phấn khởi vì chợ tiện lợi cho giao lưu buôn bán ở các xã ven sông Cầu Chày của huyện. 
Vừa mới tái lập, chợ Bản Định Tăng tuy chưa thu hút đông người, nhưng tin rằng, với vùng đất truyền thống, giao thông thuận tiện và được quản lí tốt, chợ sẽ ngày một đông hơn. Đặc biệt cái tên Chợ Bản sẽ mãi mãi gắn bó với nhân dân Định Tăng; Mãi mãi là cái tên quen thuộc, thân thiết với nhân dân Yên Định và nhân dân trong vùng. 
Chợ "Đầu Mối"- Chợ Bản Định Long, cần phát huy thế mạnh, nhanh chóng đổi mới cách tổ chức quản lí, cách đấu thầu, cho thuê  nhà chợ để thu hồi vốn đã đầu tư để phát huy hiệu quả.
Chợ vẫn là Chợ, nhưng với chức năng "Đầu Mối", hy vọng rằng chợ Định Long sẽ ngày một phát triển, cùng các ngành, các lĩnh vực KT- XH của Huyện thu được nhiều thắng lợi trên con đường xây dựng nông thôn mới! 

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 
Free Blue Multi Glitter Pointer Cursors at www.totallyfreecursors.com